Phân đoạn Kinh Thánh thảo luận: Công vụ 9:1-9, với Chủ đề: “Sau-lơ trở thành Phao-lô – Từ tội đồ tới thánh đồ”.
Bấy giờ, Sau-lơ cứ hăm dọa và sát hại các môn đồ của Chúa. Ông đến với thầy tế lễ thượng phẩm, xin thư giới thiệu đến các nhà hội ở Đa-mách để nếu gặp người nào thuộc về Đạo, bất kể nam nữ, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi Sau-lơ đang đi đến gần thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời chiếu lòa chung quanh ông. Ông té xuống đất và nghe có tiếng phán với mình: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Chúa phán: “Ta chính là Jêsus mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng hãy đứng dậy, vào trong thành, người ta sẽ bảo ngươi mọi điều phải làm.” Những người cùng đi với ông đều đứng lại sững sờ, vì họ nghe tiếng nói mà không thấy ai hết. Sau-lơ từ dưới đất đứng dậy, mắt tuy mở nhưng không thấy gì cả. Người ta cầm tay ông dắt vào thành Đa-mách. Trong ba ngày, ông chẳng thấy, chẳng ăn và cũng chẳng uống gì cả.
Công Vụ 9:1-9 VIE2010
Câu Kinh Thánh chủ đề:
Ga-la-ti 1:15-16: “Nhưng khi Đức Chúa Trời đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng bầy tỏ con Ngài cho tôi để tôi rao truyền Tin Lành về Con Ngài giữa dân ngoại, thì lập tức tôi không bàn với loài người”
Câu hỏi thảo luận:
1. Sau-lơ là ai?
2. Sau-lơ đến với các thầy tế lễ thượng phẩm để làm gì? Ông đến nhà hội ở Thành Đa-mách với tinh thần như thế nào?
3. Sau-lơ nghĩ công việc của mình đúng hay sai?
4. Chúa đã kêu gọi Sau-lơ như thế nào? Và Sau-lơ đã đáp lời Chúa như thế nào?
5. Chúa đã dạy dỗ Sau-lơ điều gì?
6. Sau-lơ đáp lại lời kêu gọi của Chúa như thế nào?
7. Bài học rút ra: cách Chúa kêu gọi chúng ta như thế nào và hành động khi nghe lời Chúa kêu gọi?
Bối cảnh:
Trong sách Công Vụ từ chương thứ 2 đến chương 7 đã nói đến – Đức Thánh Linh giáng lâm và Hội Thánh thành lập. Hội Thánh ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Giê-ru-sa-lem, có nhiều phép mầu và dấu lạ hiện ra giữa dân chúng bởi tay các sứ đồ. Số người tin Chúa ngày càng thêm đông đảo kể cả nam lẫn nữ. Các sứ đồ còn phải lập thêm các chấp sự để giúp họ lãnh đạo và chăm sóc Hội Thánh Chúa. Nhưng từ cuối chương thứ 7:58b trở đi có một nhân vật rất đặc biệt xuất hiện và sau này đóng góp rất nhiều vào trong Hội Thánh đầu tiên của Chúa. Đó là Sau-lơ. Vậy Sau-lơ đã tin Chúa trong trường hợp đặc biệt như nào?
Sau-lơ là ai?
Chúng ta không biết nhiều về Sau-lơ trước đó. Qua sách công vụ chúng ta mới biết ông là người Do Thái sinh ra ở Tạc-sơ, xứ Si-li-si ở tiểu Á, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay – Ông là người có quốc tịch La Mã. Lúc nhỏ ông được đi học với người thầy nổi tiếng lúc đó là Ga-ma-li-ên về đạo Do Thái (người trong công vụ 5:37-39 có nhắc đến, ông là giáo sư luật pháp, thành viên của Hội Đồng của Thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão của người Pha-ri-si). Sau đó ông trở thành người trong nhóm người gọi là Pha-ri-si. Những người Pha-ri-si lúc đó là những người rất mộ đạo. Họ coi cuốn cựu ước là kim chỉ nam trong đời sống của họ. Họ yêu mến cuốn cựu ước, học thuộc, tìm cách áp dụng những điều dậy dỗ trong cuốn cựu ước vào cuộc sống hàng ngày của mình. Sau khi Ê-tiên bị ném đá chết, Hội Thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem bị bắt bớ dữ dội. Các tín hữu bị tan lạc khắp miền Giu-đe và Sa-ma-ri. Sau-lơ đã tham gia tàn hại Hội Thánh, khủng bố những tín đồ ở vùng Giê-ru-sa-lem.
Sau-lơ đến với các thầy tế lễ thượng phẩm để làm gì? Sau-lơ đến nhà hội ở thành Đa-mách với tinh thần như thế nào?
Ông đến với thầy tế lễ thượng phẩm để xin thư giới thiệu đến các nhà hội ở Đa-mách (ở nước khác) để ông bách hại Hội Thánh Chúa; để gặp những người nào thuộc về Đạo Chúa bất kể nam hay nữ, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. Ông đến Đa-mách với một tinh thần rất hùng hổ, hung hăng và đầy nóng cháy.
Sau-lơ nghĩ công việc của mình đúng hay sai?
Sau-lơ là người rất thuộc Cựu Ước và trung thành với Lời Chúa trong Cựu Ước, nên ông coi Chúa Giê-xu là đạo lạ, ông đi bắt bớ nhưng nghĩ đang giữ và tuân thủ Kinh Thánh cựu ước.
Chúa đã kêu gọi Sau-lơ như thế nào? Và Sau-lơ đã đáp lời Chúa như thế nào?
Mặc dù Sau-lơ đang đi cùng đám người đi bắt bớ, nhưng Chúa đã kêu gọi đích danh ông một cách rõ ràng, cụ thể, không phải gọi chung chung hay thông qua một người khác và chỉ mình ông có thể hiểu được “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta”, những người đi cùng nghe thấy nhưng không nhìn thấy gì cả.
Sau-lơ đáp lời ngay – “Lạy Chúa, Chúa là ai?” – thái độ của Sau-lơ thể hiện sự mong muốn xác thực người đang gọi mình. Ông đã hỏi để biết rõ ràng là người kêu gọi mình là ai? Có đúng Chúa hay một kẻ nào khác.Khi Chúa gọi chúng ta, đó là điều tuyệt vời. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết người gọi mình là ai. Nhiều người khi gặp khó khăn, nghĩ phải có một Đấng nào đó phù hộ mình, giúp mình vượt qua khó khăn đó. Do vậy họ đi tìm một thượng đế, nhưng theo một thượng đế sai lầm. Họ không nói: Thượng Đế ơi, xin Ngài cho con biết Ngài là ai? Mà lại đi chọn thượng đế một cách bừa bãi.
Chúa đã dạy dỗ ông điều gì?
Chúa phán: “Ta chính là Giê-xu mà ngươi đang bắt bớ”. Khi Chúa nói: Chính ta là Giê-xu ý muốn dậy dỗ Chúa Giê-xu là con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời chúng ta phải nghe lời và thờ phượng Ngài Khi người ta bắt bớ và gây tổn thương Hội Thánh cũng như con dân Chúa chính là đang bắt bớ Chúa Giê-xu.
Sau-lơ đáp lại lời kêu gọi của Chúa như thế nào?
Ông đứng dậy và để người ta dắt vào thành. Trong ba ngày, ông chẳng thấy, chẳng ăn và cũng chẳng uống gì cả. Đó là khoảng thời gian để ông suy nghĩ, để tĩnh lặng chất vấn bản thân, cố gắng hiểu điều gì vừa xảy ra, hiểu trước giờ mình đã phục vụ Chúa đúng cách chưa.
Sau này, chính Phao-lô kể lại câu chuyện này trong Công vụ 22:10 Tôi thưa: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Chúa đáp: ‘Hãy trỗi dậy, đi đến Đa-mách, ở đó người ta sẽ nói cho con biết mọi điều Ta đã chỉ định cho con phải làm. Câu nói: Lạy Chúa con phải làm gì? Đây là câu hỏi rất quan trọng. Sau khi thấy tội lỗi của mình đối diện với Chúa, Phao-lô đã nói ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Ông công nhận Chúa là Chúa tể của đời sống ông. Nói lạy Chúa có nghĩa ông muốn nói Chúa ơi, Ngài là Đấng mà con phải thờ phượng. Con bỏ hết những gì của cuộc đời con để hầu việc Ngài.
Bài học rút ra: cách Chúa kêu gọi chúng ta như thế nào và hành động khi nghe lời Chúa kêu gọi?
1 Sa-mu-ên 16:7: “Đức Giê-hô-va không xem theo cách loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng”. Chúa kêu gọi mỗi người theo một cách riêng và không ai giống ai, bởi Chúa có một chương trình và kế hoạch tốt đẹp cho mỗi người. Loài người nhìn bề ngoài nhưng Chúa nhìn bên trong, một khi Chúa đã chọn thì Chúa sẽ nhìn theo con mắt của Ngài, đó có thể là một người có tấm lòng trọn vẹn, nhưng cũng có thể là người đang chống đối, đang bắt bớ Chúa. Dù là ai, khi mà Chúa gọi thì sẽ gọi một cách rõ ràng, đích danh và cụ thể; chúng ta phải ăn năn, có một tấm lòng để nghe theo lời kêu gọi của Chúa.
Ngày hôm nay, nếu bạn đã tuyên xưng tiếp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của cuộc đời mình, hãy tiếp tục giữ mối thông công với Chúa qua lời cầu nguyện. Hãy tuôn đổ những điều thầm kín, kể cả những tội lỗi sâu kín nhất với Ngài. Vì Ngài là Cha của chúng ta. Ngài thấu hiểu và luôn chờ đợi chúng ta đến để tấm sự với Ngài dù cho đó là bất kì chuyện gì. Và chúng ta sẽ cảm nhận được sự tha thứ, tình yêu thương vô bờ bến nơi Ngài.
Nếu bạn chưa tuyên xưng tiếp nhận Chúa, hãy đến với Ngài ngay lúc này. Bạn chỉ cách Chúa một lời cầu nguyện. Bạn biết không? Chính tội lỗi đã ngăn cách mối quan hệ của chúng ta với Ngài nhưng lời cầu nguyện này sẽ giúp bạn nối lại mối quan hệ ấy – Mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Ngài đang đợi bạn!
Hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được trợ giúp trong lời cầu nguyện đầu tiên này. Chúng tôi chờ đợi và cầu nguyện cho quyết định của các bạn!
_______________________
Nhóm tế bào Hosana của Hội Thánh Tin Lành Mùa Gặt sinh hoạt vào lúc 20h00, tối thứ 5 hàng tuần trên Zoom. Hội Thánh trân trọng mời quý tín hữu gần xa cùng tham gia thảo luận Kinh Thánh và thông công cùng nhóm. Vui lòng liên hệ Facebook Fanpage để nhận ID và Password của phòng Zoom.
HỘI THÁNH TIN LÀNH MÙA GẶT