Củ hành là một thứ rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Nó có nhiều lớp vỏ, khi chúng ta bóc lớp vỏ ngoài cùng ra thì sẽ thấy lớp vỏ bên trong, bóc lớp vỏ bên trong sẽ thấy lớp bên trong nữa, và cứ thế cho đến phần trong cùng.
Giống như củ hành, con người chúng ta cũng có nhiều “lớp”. Lớp vỏ ngoài cùng là những gì có thể quan sát được, ví dụ như những quyết định, thói quen hàng ngày, cách chúng ta cư xử với những người xung quanh, cách chúng ta xử lý vấn đề, nói tóm lại là cách chúng ta sống. Tuy nhiên, những hành vi và nếp sống đó không xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Chúng là kết quả của những thái độ, suy nghĩ và cảm xúc bên trong, ví dụ như yêu, ghét, ngưỡng mộ, ghen tức, rộng lượng, khiêm nhường, kiêu ngạo v.v. Mối quan hệ nhân quả giữa thái độ và hành vi có thể quan sát được dễ dàng trong cuộc sống:
- Người nghĩ mình hơn người khác thường không muốn lắng nghe và không kiên nhẫn với người khác.
- Sự căm ghét hay trìu mến thường được thể hiện qua nét mặt, cử chỉ hay giọng nói.
Thái độ, suy nghĩ và cảm xúc cũng không phải tự nhiên xuất hiện. Chúng bị chi phối bởi những giá trị mà chúng ta thừa nhận cũng như những mục đích mà chúng ta theo đuổi trong cuộc sống. Chúng ta có nhiều giá trị và mục đích khác nhau. Với một số người, sự trung thực trong kinh doanh còn quan trọng hơn lợi nhuận, nhưng với một số người khác, họ chỉ trung thực khi có lợi. Nhiều người coi mục đích của cuộc sống mình là kiếm được nhiều tiền, được nổi tiếng và có được sự ngưỡng mộ của người khác, trong khi nhiều người khác lại âm thầm giúp đỡ những người bị thiệt thòi trong xã hội, như những người tàn tật, những trẻ em lang thang đường phố. Giá trị và mục đích sống sẽ định hình cách chúng ta cảm nhận và phản ứng trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, một cơ hội kinh doanh bị tuột mất sẽ khiến một người ham làm giàu cảm thấy tiếc hùi hụi, nhưng với một người lấy khoa học làm mục đích phấn đấu của cuộc đời mình, việc tuột mất đấy chẳng phải là một điều gì to tát lắm.
Giá trị và mục đích sống lại được quyết định bởi niềm tin, là những điều chúng ta coi là đúng. Nếu một người tin rằng Đức Chúa Trời sẽ tính sổ với mình vào ngày phán xét của Ngài thì người đó sẽ xác định mục đích sống hoàn toàn khác với một người không tin vào điều đó. Một người tin rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Tạo Hoá sẽ nhìn thấy một giá trị hoàn toàn khác ở một người tàn tật so với người tin vào thuyết tiến hoá và khả năng sinh tồn.
Cuối cùng, ở tầng sâu nhất là thế giới quan. Đây là niềm tin căn bản nhất, điều mà một người coi là thực tế tối thượng. Một số người tin Thượng Đế là thực tế tối thượng đó. Đấy chính là thế giới quan hữu thần. Còn một số người tin rằng vũ trụ vật chất tồn tại mãi mãi, không do một thần linh nào tạo dựng nên, và con người là sản phẩm của vũ trụ đó. Đấy là thế giới quan duy vật và vô thần. Thế giới quan Cơ Đốc được khẳng định ngay trong câu Kinh Thánh đầu tiên: “Ban đầu, Đức Chúa Trời tạo dựng nên trời và đất”. Thế giới quan Cơ Đốc nói rằng vũ trụ đã được dựng nên bởi lời của Đức Chúa Trời và những vật hữu hình được tạo dựng nên bởi Đấng mà mắt thường không thấy (Hê-bơ-rơ 1:3).
Logic kết nối thế giới quan, niềm tin, giá trị, thái độ và hành vi là như thế này: thế giới quan là nền tảng của niềm tin, niềm tin định hình giá trị cũng như mục đích sống, các giá trị sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, thái độ và cảm xúc, rồi từ đó ảnh hưởng đến hành vi và nếp sống của con người.
Chúng ta có thể phân tích mối quan hệ logic đó bằng một phân đoạn Kinh Thánh trong sách Xuất Ai Cập ký 22:25-27:
Nếu con cho bất cứ ai trong dân Ta, là những người nghèo khó ở giữa con, mượn tiền thì đừng đối xử với họ như chủ nợ, và cũng đừng bắt họ chịu lời. Nếu con giữ áo choàng của người lân cận mình làm vật thế chấp thì phải trả cho họ trước khi mặt trời lặn; vì đó là tấm đắp duy nhất của họ, là chiếc áo khoác che thân; lấy đi người ấy lấy gì mà ngủ? Nếu nó kêu van với Ta, thì Ta sẽ lắng nghe, vì Ta là Đấng nhân từ.
Xuất Ai Cập ký 22:25-27
Đây là một trong những điều răn mà Đức Chúa Trời ban cho người Y-sơ-ra-ên sau khi Ngài cứu họ ra khỏi Ai Cập. Họ biết là có Đức Chúa Trời (thế giới quan). Ngài nói với họ Ngài là Đấng nhân từ (niềm tin), vì vậy, họ cần phải coi trọng sự nhân từ (giá trị). Từ đó, họ cần phải có lòng thương xót, rộng lượng với những nghèo, không được coi thường họ (thái độ). Như vậy, họ không được đối xử một cách khắc nghiệt với những người vay nợ mình, không được tính lãi trên món vay và không được lấy đi áo choàng của người nghèo, hay rộng hơn, không được lấy đi bất kỳ thứ gì thiết yếu để đảm bảo sự sống còn của họ (hành vi). Thế giới quan, niềm tin, giá trị, thái độ và hành vi đều được kết nối với nhau một cách logic và nhất quán.
Mối quan hệ xuôi chiều là như vậy, còn mối quan hệ ngược lại thì như thế nào? Khi thái độ được thể hiện bằng hành vi, thì thái độ đó được củng cố. Nếu chúng ta ghét ai đó và chửi họ, họ chửi lại chúng ta và như vậy chúng ta lại càng có thêm lý do để ghét họ nhiều hơn. Nếu chúng ta chán nản (thái độ) và chúng ta uống rượu để quên đi sự đời (hành vi), thì lúc chúng ta tỉnh rượu, sự chán nản lại càng gia tăng. Đấy gọi là vòng luẩn quẩn khiến tình hình càng ngày càng tệ hơn. Ngược lại, khi thái độ yêu thương được bày tỏ bằng hành động, điều đó gắn kết mối quan hệ và tình yêu thương tiếp tục phát triển. Sự tha thứ sẽ chữa lành mối quan hệ bị thương tổn và làm vững thêm quyết tâm học sự tha thứ. Như vậy, hành động sẽ củng cố thái độ, và tiếp theo, củng cố giá trị và niềm tin của chúng ta.
Mô hình củ hành được minh hoạ dưới đây mô tả mối quan hệ gắn kết giữa niềm tin, giá trị, thái độ và hành vi của con người:

Khi tội lỗi vào thế giới, nó ảnh hưởng đến tất cả các lớp, từ lớp trong cùng cho đến ngoài cùng. Ở lớp trong cùng của thế giới quan, con người không tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: “Chẳng có Đức Chúa Trời.” (Thi Thiên 14:1). Có bao nhiêu niềm tin sai trệch, dẫn đến những giá trị sai trệch, mục đích sống sai trệch, rồi đến thái độ, cảm xúc, hành vi và nếp sống sai trệch. Mỗi người trong chúng ta đều có thể kể rất nhiều ví dụ minh hoạ cho những sự sai trệch đó.
Cũng một thể ấy, ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời mang đến sự đổi mới ở tất cả các cấp độ: thế giới quan, niềm tin, giá trị, mục đích sống, suy nghĩ, cảm xúc, thái độ, hành vi và nếp sống, bắt đầu từ trong ra ngoài. Đầu tiên, sự cứu rỗi đó mở đôi mắt thuộc linh của chúng ta để chúng ta thừa nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời, tin rằng Ngài hiện hữu và ban thưởng cho những người tìm kiếm Ngài (Hê-bơ-rơ 11:6). Rồi Kinh Thánh dạy chúng ta niềm tin đúng đắn về Đức Chúa Trời, về sự cứu rỗi của Ngài, về thực trạng của con người, về thế giới tương lai v.v. Từ đó, giá trị và mục đích sống của con người thuộc về Chúa thay đổi, dẫn tới sự thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc, thái độ, hành vi và nếp sống.
Sự thay đổi trong niềm tin tất nhiên PHẢI dẫn đến sự thay đổi trong mục đích sống, trong suy nghĩ, trong cảm xúc và rồi dẫn đến sự thay đổi trong lối sống. Một người không thể vừa tin vào Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá, là Đấng ban sự sống cho mình, lại vừa không hề có mong muốn tìm hiểu ý muốn của Ngài và vâng lời Ngài. Niềm tin không kéo theo sự thay đổi trong lối sống là niềm tin không thật, và Kinh Thánh gọi đó là “đức tin chết” (Gia-cơ 2:26).
Cả Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn để ban cho chúng ta sự khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Chúa Giê-xu Christ, để dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành (II Ti-mô-thê 3:15-17). Hành trình biến đổi của người tin Chúa bắt đầu từ đức tin cứu rỗi trong Chúa Giê-xu và hướng tới mục tiêu là người tin Chúa được toàn vẹn, sẵn sàng cho mọi việc lành.
Con đường từ đức tin đến việc lành là con đường dành cho tất cả các “học trò” của Kinh Thánh. Chúng ta học không phải chỉ để biết, nhưng để thay đổi. Biết lẽ thật mới chỉ là điểm khởi đầu, nhưng nếu chỉ dừng lại ở biết thì việc học Kinh Thánh chẳng có ích gì. Sự thay đổi phải diễn ra ở tất cả các cấp độ: thế giới quan, niềm tin, giá trị và mục đích sống, và kết quả cuối cùng là nếp sống vâng lời và đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Nếu bạn chưa biết tới Chúa, xin hãy nhận biết và tiếp nhận Ngài theo hướng dẫn sau: https://muagat.net/nhan-biet-chua/. Bạn cũng có thể liên hệ với Hội Thánh Tin Lành Mùa Gặt để được tâm vấn và giải đáp các thắc mắc về đức tin từ Mục sư.
Tác giả: Phạm Quang Nam
HỘI THÁNH TIN LÀNH MÙA GẶT
Nhận biết Chúa | Giáo lý căn bản | Tâm vấn | Tĩnh nguyện
Hội Thánh Tin Lành Mùa Gặt (HTTLMG) là Hội Thánh thuộc Tổng Hội – Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc). HTTLMG là một cộng đồng của những con người cùng một lòng tin kính Đức Chúa Trời, được cứu chuộc bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, cùng một trách nhiệm trong quyền năng, ân tứ của Đức Thánh Linh để xây dựng HTTLMG của Chúa, thông qua việc truyền bá Tin Lành tới người Việt.