Phân đoạn Kinh Thánh thảo luận: Thi Thiên 19, chủ đề: “Vinh quang của Đức Chúa Trời trong vũ trụ và luật pháp”.
Đọc đầy đủ Thi Thiên 19 tại đây!
Câu hỏi thảo luận:
1. Có thể chia Thi thiên 19 thành mấy đoạn? Ý nghĩa mỗi đoạn?
2. Trong câu 1 – câu 6 (toàn cảnh), thiên nhiên giúp chúng ta hiểu gì về Đấng Tạo Hóa? Thiên nhiên bày tỏ về Đấng Tạo Hóa bằng cách nào?
3. Trong câu 7 – câu 10 (trung cảnh), sự dạy dỗ của Chúa giúp chúng ta hiểu thêm gì về Ngài? Có những tính từ nào dùng để mô tả về ích lợi sự dạy dỗ của Chúa?
4. Trong câu 11 – câu 14 (cận cảnh), thế nào sự đáp ứng phù hợp của một người khi nhận biết về Chúa? Ngoài nhận biết về sự tốt đẹp của Ngài, chúng ta cần phải nhận biết điều gì về tấm lòng của mình?
Tác giả Thi Thiên đã vẽ ra một bức tranh rất đẹp qua ba góc nhìn , ba lăng kính: góc nhìn toàn cảnh; góc nhìn trung cảnh và góc nhìn cận cảnh.
Góc nhìn toàn cảnh (câu 1-6):
Rất dễ để loài người có thể nhìn thấy sự oai nghiêm hùng vĩ của các công việc do nơi tay của Đấng Tạo Hoá làm ra:
“Các tầng trời rao truyền vinh quang của Đức Chúa Trời, Bầu trời bày tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng về vinh quang của Đức Chúa Trời cho ngày kia, Đêm nầy truyền tri thức về Đức Chúa Trời cho đêm nọ. Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; Cũng không ai nghe âm thanh của chúng. Nhưng tiếng của chúng dội vang khắp đất Và lời của chúng truyền đến tận cùng thế giới. Trên bầu trời, Ngài đã dựng trại cho mặt trời. Mặt trời khác nào tân lang ra khỏi loan phòng, Vui mừng chạy đua như một dũng sĩ. Mặt trời ra từ phương trời nầy, Chạy vòng đến phương trời kia. Không gì tránh khỏi được sức nóng mặt trời.” – Thi thiên 19:1-6
Chúng ta thấy được vinh quang của Đấng Tạo Hoá, tri thức của Đấng Tạo Hoá và dĩ nhiên, có một sự xác chứng hiển nhiên về những điều này bởi cớ không có một con người nào có thể lí giải được cội nguồn của vạn vật ngoài một lời thừa nhận: “có một Đấng Tạo Hoá”.
Góc nhìn trung cảnh (câu 7-10):
Với chính kí giả (vua David) ông là một người Do Thái thì ông lại có được nhận thức rõ ràng hơn về Đấng Tạo Hoá. Sự nhận thức này bắt nguồn từ các điều răn, các luật lệ mà dân tộc Do Thái (các Cơ Đốc Nhân) có được thông qua Đức Chúa Trời, tên của Ngài là YAHWEH (Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu): Ngài vốn có và Ngài hằng có đời đời.
“Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, Bổ dưỡng linh hồn; Chứng ước Đức Giê-hô-va là chắc chắn, Làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan. Kỷ cương của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, Làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va là tinh sạch, Làm cho mắt sáng sủa. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, Hằng còn đến đời đời; Các mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va là chân lý. Tất cả đều công chính. Các điều ấy quý hơn vàng, Thật quý hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, Thật ngọt hơn mật của tàng ong.” – Thi thiên 19:7-10
Luật pháp của Chúa được tác giả mô tả thông qua các tính từ: trọn vẹn, khôn ngoan, ngay thẳng, trong sáng, trong sạch… Dễ thấy đây là những tính từ thường được dùng để hướng đến một con người cụ thể nào đó. Và trong sự soi sáng của Lời Chúa, chúng ta biết luật pháp và điều răn đã làm chứng về ĐẤNG CHRIST : “Ngài phán: “Đây là những lời mà Ta đã phán với các con khi Ta còn ở với các con: Mọi điều đã chép về Ta trong Luật Pháp Môi-se, các sách Tiên Tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm.” Lu-ca 24:44.
Hallelujah! Quả thật, để nhận biết được về sự thánh khiết trọn vẹn như vậy thì chúng ta cần phải có đời sống suy ngẫm và khát khao Lời Đức Chúa Trời. Khi chúng ta có thái độ như vậy thì chắc chắn Đức Chúa Trời, Ngài sẽ bày tỏ cho chúng ta biết về bản thể của Ngài.
Góc nhìn cận cảnh (câu 11-14):
“Các điều ấy quý hơn vàng, Thật quý hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, Thật ngọt hơn mật của tàng ong. Các điều ấy dạy dỗ đầy tớ Chúa; Ai gìn giữ chúng được phần thưởng lớn. Ai nhận thức được các sai lầm mình? Xin Chúa tha những lầm lỗi mà con không biết. Xin Chúa giữ đầy tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; Nguyện tội ấy không cai trị con Thì con sẽ không chỗ trách được, Và không phạm tội trọng.”
Tại đây, chúng ta thấy David đã có phản ứng tịnh tiến thông qua các động từ: dạy dỗ, nhận thức, không cai trị, không chỗ trách… Ông được mặc khải về bản thể của Đức Chúa Trời và điều đó đã khiến ông tự suy xét lại chính mình. Đứng trước sự thánh khiết trọn vẹn của Chúa, ông thấy được tình trạng dơ bẩn của đời sống mình đồng thời ông cũng biết sự bất năng của bản thân vì không thể tự trở nên trọn vẹn theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Những động từ tiếp theo mà David thốt lên: gìn giữ, tha thứ… Đây chính xác là khi kí giả Thi Thiên biết rằng ông thật sự cần 1 ĐẤNG CỨU CHUỘC. ĐẤNG CỨU CHUỘC ấy không ai khác chính là Đức Chúa Trời. Duy chỉ có Ngài mới có năng quyền để can thiệp vào tình trạng tội lỗi đó của ông. Chỉ có Ngài mới có thể khiến ông làm theo được mọi điều mà Ngài phán qua luật pháp.
Câu cuối cùng David thốt lên rằng:
“Lạy Đức Giê-hô-va là Vầng Đá và là Đấng Cứu Chuộc của con, Nguyện lời nói của miệng con, Và sự suy ngẫm của lòng con được đẹp ý Ngài!”
Ông đã khao khát dâng chính tấm lòng của mình lên cho Đức Chúa Trời bởi cớ lúc này ông biết một cách xác quyết rằng chính tấm lòng là cột rễ của đời sống ông. Ông không còn muốn tự cai trị đời sống mình theo cách riêng nữa mà muốn dâng mọi sự cho Ngài: lời nói, lối suy nghĩ…
Hẳn nhiên, chúng ta đã biết Châm Ngôn nói rằng: lòng đầy dẫy thì miệng nói ra. David khao khát tấm lòng ông thành của lễ tốt đẹp lòng Đức Chúa Trời. David khao khát tấm lòng của ông được là nơi mà Đức Chúa Trời tể trị. Ông khao khát đời sống của ông phản ánh chính mình Ngài.
Qua phân đoạn Kinh Thánh này, một lần nữa chúng ta được nhắc nhở về đời sống trọn vẹn đẹp lòng Đức Chúa Trời. Điều đó không phải do sự cố gắng thông qua việc làm của ông bà anh chị em mà do chính thái độ của chúng ta. Đức Chúa Trời, Ngài chắc chắn không dùng một chiếc bình vàng luôn tỏ vẻ kiêu sa, Ngài ưa thích dùng “chiếc bình” tầm thường nhưng biết thuận phục. “Chiếc bình” đó chính là tấm lòng của mỗi ông bà anh chị em. Chúng ta đều biết thời đại ngày nay thì tấm lòng là nơi ngự ưa thích của Đức Chúa Trời thông qua Chúa Thánh Linh vì nó được kể là “đền thờ” của Ngài. Vậy nên thông qua phân đoạn Kinh Thánh trên ao ước toàn thể con trai, con gái của Đức Chúa Trời chúng ta đều đồng một khao khát như chính David đã thốt lên: “Nguyện lời nói của miệng con, Và sự suy ngẫm của lòng con được đẹp ý Ngài!”. A-men!
Ngày hôm nay, nếu bạn đã tuyên xưng tiếp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của cuộc đời mình, hãy tiếp tục giữ mối thông công với Chúa qua lời cầu nguyện. Hãy tuôn đổ những điều thầm kín, kể cả những tội lỗi sâu kín nhất với Ngài. Vì Ngài là Cha của chúng ta. Ngài thấu hiểu và luôn chờ đợi chúng ta đến để tấm sự với Ngài dù cho đó là bất kì chuyện gì. Và chúng ta sẽ cảm nhận được sự tha thứ, tình yêu thương vô bờ bến nơi Ngài.
Nếu bạn chưa tuyên xưng tiếp nhận Chúa, hãy đến với Ngài ngay lúc này. Bạn chỉ cách Chúa một lời cầu nguyện. Bạn biết không? Chính tội lỗi đã ngăn cách mối quan hệ của chúng ta với Ngài nhưng lời cầu nguyện này sẽ giúp bạn nối lại mối quan hệ ấy – Mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Ngài đang đợi bạn!
Hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được trợ giúp trong lời cầu nguyện đầu tiên này. Chúng tôi chờ đợi và cầu nguyện cho quyết định của các bạn!
_______________________
Nhóm tế bào Thành Công của Hội Thánh Tin Lành Mùa Gặt sinh hoạt vào lúc 20h00, tối thứ 5 hàng tuần trên Zoom. Hội Thánh trân trọng mời quý tín hữu gần xa cùng tham gia thảo luận Kinh Thánh và thông công cùng nhóm. Vui lòng liên hệ Facebook Fanpage để nhận ID và Password của phòng Zoom.
HỘI THÁNH TIN LÀNH MÙA GẶT