“Phước cho người nghèo khổ trong tâm linh, vì Nước Thiên Đàng thuộc về họ.” (Ma-thi-ơ 5:3)
Đọc câu chuyện về Gia-cốp và hành trình đức tin của ông, chúng ta thấy ông đã trở nên nghèo khổ trong tâm linh như thế nào. Sau khi ông lừa Y-sác, bố của mình, để cướp phước lành mà người bố định ban cho Ê-sau, là anh của ông, ông bị người anh thù ghét và muốn giết. Mẹ của ông, bà Re-bê-ca, bàn với chồng mình để gửi ông về chỗ người em trai của bà là La-ban. Trên đường đi, tại Bê-tên (có nghĩa là Nhà của Đức Chúa Trời), ông được Chúa hiện đến trong giấc mơ. Lúc thức dậy, ông khấn nguyện với Chúa: “Nếu Đức Chúa Trời ở với con, gìn giữ con trên đường con đang đi, cho con đủ ăn đủ mặc, và đưa con trở về nhà cha con bình an vô sự, thì CHÚA sẽ là Đức Chúa Trời của con. Còn tảng đá kỷ niệm này sẽ trở thành nhà Chúa và con sẽ dâng lại cho Chúa một phần mười mọi vật Chúa ban cho.” (Sáng Thế Ký 28:20-22)
Lời cầu nguyện này giống như một lời mặc cả, trao đổi buôn bán: “Nếu Chúa làm cho con điều này, thì con sẽ làm cho Chúa điều kia.” Hai bên gần như ngang hàng, đang thực hiện giao dịch có đi có lại.
Rồi ông phục vụ ở nhà của La-ban 20 năm, 14 năm đầu để cưới hai cô con gái của cậu, 6 năm sau để gây dựng gia tài của riêng mình (Sáng Thế Ký 31:41). La-ban là một người tham tiền và tráo trở. Trước Gia-cốp lừa người khác (bố của mình), nay ông thấy thấm thía cảnh bị lừa là như thế nào. La-ban mới đầu lừa ông trong chuyện lấy vợ, bắt ông phải lấy người con gái mà ông không yêu, sau đó lừa ông để quỵt tiền công. Nhưng trong tất cả những hoàn cảnh đó, Đức Chúa Trời vẫn thành tín với lời hứa của Ngài ban cho ông, rằng Ngài sẽ ở cùng ông luôn, ông đi đâu Ngài sẽ theo gìn giữ đó và đem ông về mảnh đất nơi ông đã ra đi. Ngài không bao giờ bỏ ông, cho đến khi Ngài hoàn thành lời Ngài đã hứa với ông (Sáng Thế Ký 28:15).
Chính vì sự thành tín của Đức Chúa Trời mà sự tráo trở của ông chủ không làm cho Gia-cốp khuynh gia bại sản và ra đi trắng tay. Lúc đến nhà La-ban, thứ duy nhất mà Gia-cốp sở hữu là cây gậy trong tay và bộ quần áo khoác trên người. Khi ông rời nhà ông cậu của mình, ông có 4 người vợ (hai con gái của La-ban và hai người hầu của họ), 11 người con trai, 1 người con gái và nhiều súc vật, nhiều nô lệ, lạc đà và lừa (Sáng Thế Ký 30). Ông biết đằng sau tất cả những phước hạnh đó là sự thành tín của Đức Chúa Trời.
Ông lên đường quay trở lại miền đất nơi ông đã ra đi. Ông vẫn còn nhớ sự tức giận và kế hoạch kinh khủng của Ê-sau, anh mình, vì vậy, khi nghe tin người anh cùng với 400 gia nhân, chắc là có vũ trang, đang đến để nghênh tiếp ông, ông đã rất sợ hãi. Ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời như thế này:
“Lạy Đức Chúa Trời của ông nội con là Áp-ra-ham, và của cha con là Y-sác, CHÚA là Đấng đã bảo: ‘Con hãy trở về quê hương, sống với bà con thân thích. Ta sẽ hậu đãi con!’ Thật ra, con chẳng xứng đáng nhưng Chúa đã thương xót và giữ đúng tất cả những lời Ngài hứa. Khi con vượt sông Giô-đanh này chỉ có một cây gậy mà nay con có hai toán người. Con xin Chúa giải thoát con khỏi tay Ê-sau, anh con. Vì con sợ anh ấy đến đánh giết con và vợ con con. Chúa đã hứa: ‘Chắc chắn Ta sẽ hậu đãi con, cho dòng dõi con đông như cát biển không ai đếm được.’” (Sáng Thế Ký 32:9-12)
Lời cầu nguyện này khác hẳn lời cầu nguyện lúc trước, không còn sự mặc cả có đi có lại nữa. Lần này, Gia-cốp nương dựa hoàn toàn và lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông nhận thức được rằng ông không xứng đáng để được Chúa ban phước và bảo vệ, nhưng Chúa đã làm điều đó, vì Ngài là thành tín với những lời hứa của Ngài.
Gia-cốp đã trưởng thành trong đức tin nơi Đức Chúa Trời. Từ chỗ ông đặt điều kiện với Chúa “Nếu Chúa làm cái này…”, nghĩ rằng chắc Chúa cảm thấy vinh dự lắm khi được làm Đức Chúa Trời của mình và Chúa cần mình “dâng một phần mười mọi vật cho Chúa”, đến chỗ ông nhận thấy mình không xứng đáng và nương cậy hoàn toàn vào sự tốt lành của Đức Chúa Trời.
Nghèo khổ trong tâm linh chính là như vậy, khi con người nhận biết rằng mình không xứng đáng với sự đối xử đầy nhân từ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không ở vị thế để mặc cả và đòi hỏi Chúa cái này cái kia, nhưng khiêm nhường tin cậy hoàn toàn vào sự tốt lành của Đức Chúa Trời.
Trái ngược với nghèo khổ trong tâm linh không phải là giàu có trong tâm linh, mà là ngạo mạn, tưởng mình giàu rồi, mình đủ rồi, mình không cần đến Chúa nữa. Chúa Giê-xu nói với Hội thánh ở Lao-đi-xê như vậy: “Vì con nói: ‘Ta giàu, ta đã làm nên giàu có, không cần chi nữa,’ nhưng con không biết mình cùng khốn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và lõa lồ. Ta khuyên con hãy mua vàng tinh luyện bằng lửa của Ta để con được giàu có, mua áo xống tinh bạch để mặc vào và sự xấu hổ vì lõa lồ của con khỏi lộ ra, và mua thuốc nhỏ mắt để nhỏ vào mắt con ngõ hầu con thấy rõ.” (Khải huyền 3:17-18). Người nghèo khổ trong tâm linh là người thấy rõ được sự khốn cùng của bản thân và cần Chúa cũng như sự thương xót của Ngài như thể con người cần không khí để thở vậy.
Cầu xin Chúa cho con thức dậy mỗi sáng và sống mỗi ngày với một nhận thức rõ ràng rằng con cần Ngài, cần ân điển của Ngài, cần sự thêm sức của Ngài, cần sự chỉ dẫn và khôn ngoan của Ngài để con có thể chiến thắng tội lỗi và sống đẹp lòng Chúa. Nếu Ngài không giúp con, con không thể sống được như vậy. A-men.
HỘI THÁNH TIN LÀNH MÙA GẶT
Nguồn: Pham Quang Nam