Đoạn Kinh Thánh thảo luận: Đa-ni-ên 6:1-28 (Đa-ni-ên trong hầm sư tử)
Câu hỏi thảo luận:
1. Đa-ni-ên là vị tể tướng như thế nào?
2. Tại sao hai vị tể tướng và các thống đốc lại không muốn Đa-ni-ên cai trị toàn vương quốc?
3. Vua Đa-ri-út đã quyết định ký vào chỉ dụ vì những lời xua nịnh của hai vị tể tướng và các thống đốc như thế nào?
4. Thái độ của Đa-ni-ên khi nhận được chỉ dụ ra sao?5. Đức Chúa Trời đã giải cứu Đa-ni-ên trong hầm sư tử ra sao?
6. Đa-ni-ên là một tấm gương như thế nào?
Đa-ni-ên vượt hẳn hai vị tể tướng kia và các thống đốc vì ông có thần linh siêu phàm
Vua có ý định lập ông cai trị toàn vương quốc, ông là người trung tín, không hề sơ suất hay mắc sai lầm. Chính vì như vậy, Đa-ni-ên là một mối lo ngại của những vị quan thần còn lại khi họ dường như đã có những hành vi bất chính trong công việc của mình. Họ đã tìm cách hãm hại Đa-ni-ên và kéo nhau đến tâu với vua phải hạ một sắc chỉ cấm nghiêm nhặt là trong 30 ngày nếu ai kêu cầu bất cứ thần nào hay người nào khác ngoài vua thì sẽ bị quăng vào hầm sư tử và ép vua phải lập lệnh đó, ký vào chỉ dụ để luật pháp này không thay đổi được bất di bất dịch của người Mê-đi và người Ba Tư. Và rồi Đa-ni-ên vẫn cương quyết chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi, ông vẫn trung tín cầu nguyện với Chúa hàng ngày. Sau đó, Đa-ni-ên đã bị rơi vào hầm sư tử đúng như kế hoạch của họ!
Vua Đa-ri-út đã rơi vào bẫy của Hai vị tể tướng và các vị thống đốc
Họ đã khéo léo nịnh nọt vua để cho vua thấy rằng có cách nào tốt hơn là tập trung vào chính nhà vua vĩ đại này và biến ông không chỉ trở thành một nhà lãnh đạo tối cao mà còn là một vị thần duy nhất trong 30 ngày là một tháng tròn! Và dĩ nhiên, những lời nịnh hót của họ đã thỏa mãn lòng kiêu ngạo của nhà vua và ông đã nhanh chóng tán thành với họ, cho luật đó thành văn bản và phê chuẩn. Một khi luật này đã được ký, thì nó không thể bị thay đổi hay rút lại.
Tấm lòng của Đa-ni-ên đối với Chúa càng mạnh mẽ hơn
Dù ông đã rơi vào hoàn cảnh không thể trốn thoát được, nhưng Đa-ni-ên vẫn không hề rúng động và chỉ tin cậy vào một mình Đức Chúa Trời. Ông mang một tấm lòng của sự cầu nguyện, ông không hề lưỡng lự trong việc thờ phượng Chúa, gần với Chúa mà còn rất thành tâm, mở toang cửa sổ trên lầu cao để cầu nguyện hướng về Giê-ru-sa-lem. Nếu như không phải là một người có đức tin và lòng can đảm, Đa-ni-ên hẳn đã thỏa hiệp và rõ ràng là ông có thể đóng cửa sổ phòng lại rồi cầu nguyện một cách lặng lẽ nhưng tại sao Đa-ni-ên lại không làm như vậy?
Chắc hẳn vì ông biết đó là một thái độ vô tín và hèn nhác; ông cũng có thể thủ đoạn như kẻ thù của mình, nhưng Đức Giê-hô-va hẳn sẽ không ban phước cho ông. Một người như Đa-ni-ên chỉ sợ Đức Giê-hô-va; và ông không sợ hãi bất kỳ điều gì khác. Ông là một điển hình trong câu Kinh Thánh, sách Công Vụ 5:29 cũng nói rằng: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta”.
Đức Chúa Trời bảo vệ Đa-ni-ên trong hầm sư tử
“Người ta đem đến một tảng đá đặt trên miệng hầm. Vua đóng ấn của vua và ấn các đại thần để không điều gì có thể thay đổi tình trạng của Đa-ni-ên được nữa”.
Sau khi cái bẫy của hai vị tể tướng và các thống đốc đã thành công, họ tưởng rằng có thể ném được Đa-ni-ên vào trong hầm sư tử là câu chuyện sẽ kết thúc, mối lo lắng của họ sẽ chấm dứt. Nhưng không, họ đã không biết rằng Đấng mà Đa-ni-ên trung tín thờ phượng là một Đấng như thế nào! Ngay rạng sáng, vua đã trỗi dậy đến hầm sư tử, cất tiếng gọi đau buồn xem Đa-ni-ên còn sống hay đã chết. Lập tức, Đa-ni-ên đáp lời chúc tụng vua và nói rằng: “ Đức Chúa Trời của tôi đã sai thiên sứ Ngài đến và bịt miệng sư tử nên chúng không làm hại đến tôi. Đa-ni-ên được đem lên khỏi hầm, và trên thân thể ông không có một thương tích nào cả vì ông đã tin cậy Đức Chúa Trời mình.”
Đa-ni-ên là một biểu hiện của sự yếu đuối, không có chút hi vọng khi đứng trước sự sống và cái chết
Hình ảnh con sư tử cũng ẩn dụ rằng, Đa-ni-ên đã phải đương đầu với nỗi sợ hãi và một thế lực chỉ muốn ăn nuốt mình không thể nào kiểm soát được. Hình ảnh cho thấy, một đức tin thật sống động chính là sự yếu đuối của con người nương dựa và tin cậy nơi sự mạnh mẽ của Đức Chúa Trời, cũng như sự yếu đuối của con người sẽ chuyển thành sự mạnh mẽ của Đức Chúa Trời. Chính Ngài sẽ là sức mạnh cho những ai nương cậy nơi Ngài.
Cái kết cho những kẻ hãm hại con cái của Đức Chúa Trời
Cuối cùng, hai vị tể tướng và các vị thống đốc cùng vợ con của họ đều bị đem đến quăng vào hầm sư tử, chưa kịp chạm đến đáy hầm thì sư tử đã nhào vô xé họ ra từng mảnh.
Chúng ta thấy được rằng, quyền năng của Đức Chúa Trời ở cùng với người nào tin cậy nơi Ngài. Nếu đời sống chúng ta luôn đặt Đức Chúa Trời lên trên, Ngài sẽ chăm sóc chúng ta, dù cho chúng ta có bị con người vùi dập thì chính Đức Chúa Trời mới là Đấng bảo vệ chúng ta. Và nếu Đức Chúa Trời đã muốn nâng đỡ, che chở cho người nào thì con người dù có dùng thủ đoạn đến đâu cũng không thể vùi dập được người đó.
Bài học cho Vua Đa-ri-út và hai vị tể tướng cùng các thống đốc
Hiệu ứng đám đông rất nguy hiểm, cần cẩn thận với những điều mình nghe được và mắt mình thấy được để luôn phải tỉnh thức, nếu không chúng ta sẽ rất dễ mắc bẫy và rời xa Chúa vì những ảnh hưởng xấu. Và cũng chính những lời nịnh nọt, khen ngợi khiến cho con người dễ bị phạm tội với Đức Chúa Trời để trở nên kiêu ngạo. Vua Đa-ri-út đã suýt mất đi một người – vừa là bạn thân thiết vừa là một tể tướng giỏi, ông đã vô tình đẩy bạn mình vào chỗ chết chỉ vì những lời nói của kẻ gian ác.
Ma quỷ luôn tìm cách để dụ dỗ con người tôn thờ một điều gì đó khác ngoài Đức Chúa Trời. Chúng lợi dụng xác thịt để con người bị rơi vào cạm bẫy khiến chúng ta phạm tội với Chúa và cũng có thể khiến cho người thân của chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự phạm tội của bản thân. Giống như hai vị tể tướng và các thống đốc đã làm cho cả vợ con của họ bị liên luỵ và gánh lấy hậu quả.
Đa-ni-ên chính là một tấm gương của việc “nhưng trước hết hãy tìm kiếm vương quốc nước Đức Chúa Trời”. Lý do vì sao mà Đức Chúa Trời có thể bày tỏ cả lịch sử nhân loại cho Đa-ni-ên? Vì ông có một đời sống thờ phượng, ông đến gần với Chúa bất cứ lúc nào, ông không hề lưỡng lự để đến với Chúa dù ông đang ở trong hoàn cảnh nào. Đa-ni-ên có một đời sống đức tin rất mạo hiểm, nhưng vì ông có mối liên hệ mật thiết với Chúa nên ông nhận biết được ý muốn của Ngài trên cuộc đời mình. Và đối với Đa-ni-ên thì việc thờ phượng Chúa, tương giao với Chúa là điều ưu tiên hàng đầu!
“Không ai vĩ đại hơn đời sống cầu nguyện của họ” – đây là một câu nói mà rất nhiều Mục Sư và các Nhà Truyền Giáo đã nói. Đa-ni-ên chính là tấm gương của một đời sống khao khát Chúa mà mỗi người cần phải theo đuổi!
Cầu nguyện:
Lạy Cha kính yêu của chúng con, chúng con biết rằng trong hành trình đức tin của mỗi người sẽ phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Nhưng cảm tạ Ngài, vì chúng con biết rõ Đấng luôn đồng đi cùng với chúng con là quyền năng thể nào! Cầu xin Cha tha thứ cho chúng con, nếu có bất cứ lúc nào chúng con bị thế gian này làm cho nghẹt ngòi, rời xa và phạm tội cùng với Ngài! Xin Cha hướng dẫn chúng con để tấm lòng này luôn được khao khát đến với Ngài trong sự tương giao và có một đời sống cầu nguyện mạnh mẽ giống như Đa-ni-ên. Xin quyền năng Cha biến đổi chúng con, khiến tâm linh chúng con biết đặt niềm tin và nương cậy vào nơi Ngài. Xin giúp chúng con được kết nối với Chúa và luôn hằng được ở trong nhà Ngài đến muôn đời! Cảm tạ Cha thật nhiều! Trong danh Chúa Giê-xu Christ, A-men!
_______________________
Nhóm tế bào Lĩnh Nam của Hội Thánh Tin Lành Mùa Gặt sinh hoạt vào lúc 20h00, tối thứ 7 hàng tuần trên Zoom. Hội Thánh trân trọng mời quý tín hữu gần xa cùng tham gia thảo luận Kinh Thánh và thông công cùng nhóm. Vui lòng liên hệ Facebook Fanpage để nhận ID và Password của phòng Zoom.
HỘI THÁNH TIN LÀNH MÙA GẶT