Phân đoạn Kinh Thánh thảo luận: Sáng thế ký 26:1-11 với Chủ đề: “Con giống cha”.
“Ngoài trận đói đã xảy ra trước đây trong thời Áp-ra-ham, bây giờ trong xứ lại xảy ra một trận đói nữa. Vì thế, Y-sác đi đến Ghê-ra, gặp A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin. Đức Giê-hô-va hiện đến với ông và phán: “Đừng xuống Ai Cập, hãy ở trong xứ mà Ta sẽ chỉ cho con. Hãy tạm cư trong xứ nầy, Ta sẽ ở cùng con và ban phước cho con; vì Ta sẽ ban cho con và dòng dõi con tất cả các vùng đất nầy và Ta sẽ làm trọn lời Ta đã thề với Áp-ra-ham, cha của con. Ta sẽ làm cho dòng dõi con nhiều như sao trên trời và ban cho dòng dõi con tất cả các vùng đất nầy. Mọi dân tộc trên thế giới đều sẽ nhờ dòng dõi con mà được phước; vì Áp-ra-ham đã vâng lời Ta, tuân giữ những điều Ta truyền dạy cũng như các điều răn, mệnh lệnh và luật lệ của Ta.” Vậy Y-sác ở tại Ghê-ra. Vì Rê-bê-ca có nhan sắc nên khi dân địa phương hỏi Y-sác về vợ ông thì ông bảo: “Cô ấy là em gái tôi”. Ông ngại nói: “Cô ấy là vợ tôi” vì sợ những người đàn ông trong xứ có thể vì nàng mà giết mình. Y-sác đã ở đó một thời gian dài thì một hôm, A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin, nhìn qua cửa sổ và thấy Y-sác đang âu yếm vợ là Rê-bê-ca. A-bi-mê-léc đòi Y-sác đến và nói: “Cô ấy chính là vợ ngươi! Tại sao ngươi lại nói: ‘Cô ấy là em gái tôi’?” Y-sác thưa với vua: “Vì tôi thầm nghĩ không khéo mình phải bỏ mạng vì nàng chăng.” A-bi-mê-léc hỏi: “Ngươi đã làm gì cho chúng ta vậy? Nếu lỡ có một người dân đến nằm với vợ ngươi thì ngươi đã làm cho chúng ta mắc tội rồi!”. Vì thế, A-bi-mê-léc truyền lệnh cho toàn dân rằng: “Ai đụng đến người nầy hoặc vợ ông ta thì sẽ bị xử tử”.
Sáng thế ký 26:1-11 VIE2010
Câu hỏi thảo luận:
1. Y-sác đã đối diện với nan đề gì? Đức Chúa Trời đã có hành động gì với ông Y-sác?
2. Y-sác đã có hành động giống cha mình là Áp-ra-ham như thế nào?
3. Đức Chúa Trời đã làm điều gì để cáo trách Y-sác về sự nói dối?
4. Bài học rút ra trong đời sống.
Bối cảnh:
Sáng Thế Ký là sách khởi đầu nền tảng quan trọng cho Cơ Đốc Nhân nói chung và người chưa tin Chúa nói riêng, để trả lời các câu hỏi của loài người về vũ trụ. Tác giả Sáng Thế Ký là Môi-se đã gom nhặt và biên tập lại các câu chuyện về sự sáng tạo vũ trụ, nguồn gốc của loài người, sự bắt đầu của tội lỗi cùng đau khổ trên thế giới. Phân đoạn Kinh Thánh này kể về đời sống của Y-sác là con trai của Áp-ra-ham, người được Đức Chúa Trời quý trọng vì đức tin và sự vâng phục Chúa của ông.
Y-sác đã đối diện với nan đề gì?
Đức Chúa Trời đã có hành động gì với Y-sác ?Gia đình Y-sác phải đối diện với một trận đói trong toàn xứ Ghê-ra. Đức Chúa Trời đã hiện ra và phán với ông chớ xuống Ai Cập, mà hãy ở lại và Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho dòng dõi ông nhiều như sao trên trời, sẽ cho họ các xứ nầy; hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ông mà được phước (Sáng Thế Ký 6:3,4)
Y-sác đã có hành động giống cha mình là Áp-ra-ham như thế nào?
Mặc dù Đức Chúa Trời đã luôn đồng hành cùng ông, luôn lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ ông trong mọi hoàn cảnh, nhưng trước khó khăn, ông đã gạt Chúa sang một bên, để tự giải quyết nan đề. Y-sác sợ người Phi-li-tin sẽ giết ông để cướp vợ, nên ông đã tự nhận vợ mình Rê-bê-ca là em gái của mình (câu 7), một lời nói dối nửa sự thật giống như Áp-ra-ham đã nhận vợ mình Sa-ra là em gái.
Đức Chúa Trời đã làm điều gì để cáo trách Y-sác về sự nói dối này?
Đức Chúa Trời đã sử dụng một người ngoại là vua A-bi-mê-léc để cáo trách Y-sác. A-bi-mê-léc tình cờ phát hiện ra Rê-bê-ca là vợ của Y-sác và vua đã truyền lệnh cho dân chúng hễ ai động đến Y-sác và vợ ông thì sẽ bị xử-tử (câu 11).
Bài học rút ra trong đời sống:
Con người là bất toàn còn Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín. Chúa đã có lời hứa với đời sống của chúng ta thì sẽ không bao giờ thay đổi. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, Chúa đã luôn hiện diện, đồng hành và bảo vệ trong đời sống của Áp-ra-ham và Y-sác mặc cho tội lỗi của họ.
Tội lỗi luôn có tính di truyền, đời cha truyền lại cho đời con, sự nói dối của Y-sác cũng là sự rủa xả từ đời cha mình, và chỉ có Chúa là Đấng có thể cắt đứt sự rủa xả, sự lặp lại tội lỗi trong đời sống.
Thời Cựu ước không có Đức Thánh Linh, nên Đức Chúa Trời hiện ra trực tiếp với con cái Chúa; thời Tân ước thì Đức Thánh Linh đã ngự trong đời sống của chúng ta và quan trọng nhất là sau khi cầu nguyện thì chúng ta cần phải lắng lại để nghe Lời Chúa trong đời sống của chúng ta.
Cầu nguyện:
Hallelujah! Cảm tạ Chúa đã nhắc nhớ cho chúng con về tội lỗi của Y-sác. Cảm tạ Chúa vì khi chúng con ăn năn, thú tội và cầu xin sự tha lỗi từ Ngài thì Ngài vẫn thứ tha và khoác cho chúng con chiếc áo của sự công chính, để chúng con vẫn là con cái của Đức Chúa Trời và nhận được ân điển lớn lao của Ngài. Xin Chúa ở cùng chúng con để chúng con nghe được lời kêu gọi của Ngài. Chúng con dâng mọi vinh hiển và dốc lòng thành kính cầu nguyện. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. A-men!
Ngày hôm nay, nếu bạn đã tuyên xưng tiếp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của cuộc đời mình, hãy tiếp tục giữ mối thông công với Chúa qua lời cầu nguyện. Hãy tuôn đổ những điều thầm kín, kể cả những tội lỗi sâu kín nhất với Ngài. Vì Ngài là Cha của chúng ta. Ngài thấu hiểu và luôn chờ đợi chúng ta đến để tấm sự với Ngài dù cho đó là bất kì chuyện gì. Và chúng ta sẽ cảm nhận được sự tha thứ, tình yêu thương vô bờ bến nơi Ngài.
Nếu bạn chưa tuyên xưng tiếp nhận Chúa, hãy đến với Ngài ngay lúc này. Bạn chỉ cách Chúa một lời cầu nguyện. Bạn biết không? Chính tội lỗi đã ngăn cách mối quan hệ của chúng ta với Ngài nhưng lời cầu nguyện này sẽ giúp bạn nối lại mối quan hệ ấy – Mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Ngài đang đợi bạn!
Hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được trợ giúp trong lời cầu nguyện đầu tiên này. Chúng tôi chờ đợi và cầu nguyện cho quyết định của các bạn!
_______________________
Nhóm tế bào Hosana của Hội Thánh Tin Lành Mùa Gặt sinh hoạt vào lúc 20h00, tối thứ 5 hàng tuần trên Zoom. Hội Thánh trân trọng mời quý tín hữu gần xa cùng tham gia thảo luận Kinh Thánh và thông công cùng nhóm. Vui lòng liên hệ Facebook Fanpage để nhận ID và Password của phòng Zoom.
HỘI THÁNH TIN LÀNH MÙA GẶT