1. HOẠN NẠN SẼ ĐẾN VỚI SỰ TỰ DO CHỌN LỰA.
Vì tình thương nên các bậc cha mẹ luôn mong muốn bảo vệ con cái mình khỏi những sự đau đớn vô ích. Thế nhưng, những cha mẹ khôn ngoan biết sự nguy hại của việc bảo vệ con cái thái quá. Họ biết rằng tự do chọn lựa chính là quyền căn bản của con người, và nếu một thế giới không có sự chọn lựa thì sẽ tồi tệ hơn cả một thế giới không có sự đau khổ. Thế nhưng, sẽ tồi tệ hơn cho một thế giới của những con người có những quyết định sai lầm mà không cảm thấy bất kỳ sự đau đớn nào. Không ai nguy hiểm hơn những kẻ nói dối, trộm cướp, giết người là những kẻ không cảm thấy được sự tổn thương mà chúng đang gây ra cho mình và cho người khác (Sáng Thế Ký 2:15-17).
2. SỰ ĐAU ĐỚN CÓ THỂ CẢNH BÁO CHÚNG TA VỀ SỰ NGUY HIỂM.
Chúng ta ghét sự đau khổ, đặc biệt là trong những gì chúng ta yêu thương. Tuy nhiên, nếu không có sự khó chịu, người bệnh sẽ không đi khám bệnh. Những cơ thể mệt mỏi sẽ không được nghỉ ngơi. Tội phạm không sợ pháp luật. Con cái sẽ cười nhạo sự sửa dạy. Nếu không có sự cắn rứt lương tâm, tình trạng bất mãn chán chường, hay sự khao khát được đổ đầy về những điều cao cả, thì những người được dựng nên để tìm được thỏa lòng nơi Cha đời đời sẽ chẳng chịu dừng lại trước khi đi quá xa. Gương của Sa-lô-môn, là vị vua đã bị cám dỗ bởi những thú vui và học được bài học từ nỗi đau đớn, cho chúng ta thấy rằng ngay cả người khôn ngoan nhất trong chúng ta cũng có xu hướng đi chệch khỏi điều thiện và Đức Chúa Trời mãi cho đến khi họ phải gặt lấy hậu quả đau đớn do những chọn lựa thiển cận của mình thì họ mới chịu dừng lại (Truyền đạo 1:1-12:14; Thi Thiên 78:34-35; Rô-ma 3:10-18).
3. SỰ ĐAU KHỔ BÀY TỎ NHỮNG GÌ ẨN GIẤU TRONG LÒNG.
Sự đau khổ thường xảy ra bởi tay của người khác nhưng nó bày tỏ những gì đang chất chứa trong lòng chính chúng ta. Những cảm xúc như tình yêu, thương xót, giận dữ, ganh tị, kiêu ngạo… có thể ngủ yên cho đến khi bị đánh thức bởi hoàn cảnh. Một tinh thần mạnh mẽ hoặc yếu đuối thường được thể hiện không phải khi mọi thứ xảy ra theo cách của chúng ta, nhưng khi ngọn lửa của sự đau đớn và cám dỗ thử nghiệm lòng can đảm của tính cách chúng ta. Tựa như vàng bạc được lửa tôi luyện, và tựa như than đá cần thời gian và áp suất nén ép để trở thành kim cương, thì lòng người cũng được bày tỏ và phát triển bởi chịu đựng được sức ép và nung đốt của thời gian cùng hoàn cảnh. Sự mạnh mẽ của tính cách thường được phô bày không phải khi mọi sự đều tốt đẹp, nhưng là khi có sự hiện diện của đau đớn hoạn nạn (Gióp 42:1-17; Rô-ma 5:3-5; Gia-cơ 1:2-5; I Phi-e-rơ 1:6-8).
4. SỰ HOẠN NẠN DẪN CHÚNG TA ĐẾN BIÊN GIỚI CỦA SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI.
Nếu chết là chấm dứt mọi sự, thì một cuộc đời đầy đau khổ là bất công. Thế nhưng, nếu kết thúc đời này đưa chúng ta đến ngay ngưỡng cửa của sự sống đời đời, thì người may mắn nhất thế gian này chính là những người khám phá qua sự đau khổ rằng cuộc đời này không phải là tất cả để vì đó chúng ta phải ra sức đấu tranh. Những ai nhận ra chính mình và Đức Chúa Trời đời đời qua đau khổ mà họ đã nếm trải thì sự chịu đựng của họ không hề vô ích. Họ đã để cho sự nghèo túng, đau buồn và đói khát đem họ đến với Chúa đời đời. Họ sẽ tìm thấy niềm vui bất tận như Chúa Giê-xu đã phán: “Phước cho ai biết tâm linh mình nghèo khó, vì sẽ hưởng nước trời” (Ma-thi-ơ 5:1-12; Rô-ma 8:18-19).
5. SỰ ĐAU KHỔ LÀM CHÚNG TA BỚT BÁM CHẶT VÀO ĐỜI NÀY.
Theo thời gian, công việc và ý tưởng của chúng ta ngày càng nghèo nàn. Thể xác trở nên tiều tụy, mòn mỏi dần. Các khớp xương cứng lại, đau nhức. Mắt đờ đi, khả năng lĩnh hội suy giảm, chậm chạp. Giấc ngủ trở nên khó khăn. Các vấn đề ngày càng trở nên quá tầm tay trong khi quyền lựa chọn thì hạn hẹp. Thế nhưng, nếu chết không phải là hết mà là ngưỡng cửa mở ra một thời kỳ mới, thì những lời nguyền rủa dành cho sự sống lâu cũng được coi là một phước hạnh. Mỗi khi có nỗi đau mới nào xuất hiện thì sự quyến rủ của thế gian này kém đi, còn sự sống đời sau lại thêm phần hấp dẫn. Chính vì lẽ này, đau khổ mở đường cho một sự xuất phát đầy hấp dẫn (Truyền Đạo 12:1-14).
6. SỰ ĐAU KHỔ TẠO CƠ HỘI ĐỂ TIN CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI.
Người đau khổ nổi tiếng nhất của mọi thời đại chính là ông Gióp. Theo Thánh Kinh, ông Gióp đã bị “trận gió mạnh” cướp đi gia đình, tài sản bị gió và lửa cuốn bay, sức khỏe tiêu mất chỉ còn lại sự đau đớn. Từ đầu chí cuối, Đức Chúa Trời không hề tỏ cho Gióp biết tại sao điều ấy xảy ra. Khi Gióp hứng chịu những lời chỉ trích buộc tội của bạn bè, thì thiên đàng vẫn yên lặng. Cho đến cuối cùng, khi Đức Chúa Trời lên tiếng, Ngài không bày tỏ rằng kẻ thù quỷ quyệt của Ngài đã thách thức các động cơ phục vụ Đức Chúa Trời của Gióp. Chúa cũng không hối tiếc vì đã cho phép Sa-tan thử thách sự kính sợ Chúa của Gióp. Trái lại, Ngài đề cập đến việc những con dê rừng sinh đẻ, những sư tử tơ đang săn mồi, và những con quạ trong tổ. Ngài dẫn chứng ra những hành vi của đà điểu, sức mạnh của bò tót, sức lực dẻo dai của ngựa. Ngài còn đưa ra những sự lạ lùng của các từng trời, những sự kỳ diệu của biển cả và sự luân phiên nhịp nhàng của mùa tiết. Cuối cùng, Gióp nhận thức được rằng Đức Chúa Trời có quyền năng và khôn ngoan để tạo nên vũ trụ này, thì cũng có lý do để tin cậy cùng một Đức Chúa Trời ấy trong những đau khổ của cuộc đời (Gióp 1:1-12:25).
7. ĐỨC CHÚA TRỜI CÙNG CHỊU KHỔ VỚI CHÚNG TA.
Chưa hề có ai chịu khổ nhiều hơn Cha chúng ta trên trời. Chưa ai trả giá đắt hơn cho việc cho phép tội lỗi xâm nhập vào trong thế gian. Chưa có ai đau buồn dai dẳng như thế vì nỗi đau của một dòng dõi hư hoại. Chưa từng có ai chịu khổ như Đấng đã trả thay cho tội lội chúng ta bằng việc đóng đinh chính thân thể của Con Ngài trên thập tự giá. Chưa có ai chịu khổ hơn Đấng mà khi dang đôi tay ra chịu chết để bày tỏ cho chúng ta biết Ngài yêu thương chúng ta biết bao. Chính Đức Chúa Trời này, là Đấng mà khi kéo chúng ta đến cùng Ngài, đã kêu gọi chúng ta tin cậy Ngài khi chúng ta gặp khổ đau và khi những người thân yêu của chúng ta cần đến sự có mặt của chúng ta (I Phi-e-rơ 2:21; 3:18; 4:1).
8. SỰ YÊN ỦI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LỚN HƠN SỰ HOẠN NẠN CỦA CHÚNG TA.
Sứ đồ Phao-lô đã nài xin Chúa lấy đi sự đau đớn trong thân thể mà ông đang phải mang. Thế nhưng, Ngài khước từ: “ n điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Vậy, Phao-lô nói “Tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên, tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó. Vì khi tôi yếu đuối ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (II Cô-rinh-tô 12:9-10). Phao-lô học được rằng ông thà ở với Chúa Cứu Thế trong đau khổ còn hơn là được mạnh khoẻ và ở trong hoàn cảnh thuận lợi nhưng không có Chúa.
9. TRONG NHỮNG LÚC KHÓ KHĂN, CHÚNG TA KHÔNG CÔ ĐƠN.
Không ai muốn chọn đau đớn và khó khăn. Tuy nhiên, khi chẳng còn sự chọn lựa nào khác, thì còn lại một sự an ủi khích lệ nào đó. Thiên tai và những cơn thử thách thường là cách đưa chúng ta đến với nhau. Các nạn đói, hoả hoạn, động đất, bạo động, bệnh tật và tai nạn đã tạo nên cơ hội đưa chúng ta đến gần, hiểu nhau và cảm thông nhau hơn. Chúng ta hãy nhớ rằng sinh mạng con người là quan trọng nhất, chúng ta rất cần đến người khác, và trên hết, chúng ta rất cần Đức Chúa Trời. Mỗi khi chúng ta tìm thấy sự yên ủi của Đức Chúa Trời trong cơn đau khổ, thì khả năng giúp đỡ người khác của chúng ta được gia tăng. Đây là điều sứ đồ Phao-lô nghĩ đến khi ông viết: “Chúc tạ Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự hoạn nạn, hầu cho nhờ sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp” (II Cô-rinh-tô 1:3-4).
10. ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ BIẾN ĐAU KHỔ THÀNH ÍCH LỢI CHO CHÚNG TA.
Lẽ thật này được bày tỏ rõ ràng qua nhiều tấm gương trong Thánh Kinh. Qua sự đau khổ của Gióp, chúng ta thấy một con người không chỉ có sự hiểu biết sâu sắc về Đức Chúa Trời mà còn là nguồn khích lệ cho mọi thế hệ tiếp theo. Qua những hoạn nạn như bị chối bỏ, bị phản bội, bị bán làm nô lệ, bị bắt bỏ tù một cách oan ức của một người tên là Giô-sép, chúng ta thấy một con người mà cuối cùng đã có thể nói với những người từng làm hại ông “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời toan làm điều ích cho tôi” (Sáng Thế Ký 50:20). Khi mọi thứ trong chúng ta kêu thét tận thiên đàng vì đã cho phép sự đau khổ xảy ra, chúng ta có lý do để nhìn vào kết quả và niềm vui đời đời của chúng ta chính là Cứu Chúa Giê-xu – Đấng trong cơn đau đớn trên thập tự giá đã kêu lên rằng: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46).
BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT nếu như sự bất công và đau khổ của cuộc đời khiến bạn khó mà tin rằng có một Đức Chúa Trời ở trên trời luôn quan tâm đến bạn. Tuy nhiên, xin bạn hãy xem xét lại sự đau khổ nạn của Đấng mà tiên tri Ê-sai gọi là: “Người đã từng trải sự buồn bực, biết sự đau đớn” (Ê-sai 53:3). Hãy nghĩ về những lằn roi hằn trên lưng Ngài, trán Ngài rỉ máu, chân tay Ngài bị đinh đóng, hông Ngài bị giáo đâm, nỗi thống khổ của Ngài khi còn ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê và tiếng kêu xé lòng của Ngài vì bị lìa bỏ. Hãy suy ngẫm về Lời Đấng Christ tuyên bố rằng Ngài chịu khổ nạn không phải vì tội của Ngài nhưng vì tội lỗi của chúng ta. Để chúng ta tự do chọn lựa nên Ngài đã để chúng ta chịu khổ. Tuy nhiên, chính Ngài đã chịu hình phạt và đau đớn vì cớ tội lỗi chúng ta (II Cô-rinh-tô 5:21; I Phi-e-rơ 2:24).
Hễ khi nào bạn muốn tìm hiểu lý do khiến Chúa chịu khổ, xin bạn hãy ghi nhớ Lời Thánh Kinh dạy: Đấng Christ đã chịu chết để trả giá cho tội lỗi chúng ta, và những ai tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ kẻ chết thì sẽ được cứu (Rô-ma 10:9-10). Sự tha thứ và sự sống đời đời mà Đấng Christ ban cho không phải là phần thưởng dành cho sự nỗ lực nhưng đó là món quà Ngài ban tặng những ai công khai đặt đức tin mình nơi Ngài.